Những hình ảnh mang giá trị cao đẹp của
bộ đội Cụ Hồ không kể hết: biên giới phía bắc, phía nam, quần đảo Hoàng Sa,
Trường Sa, cả trong thiên tai, trong xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn
mới, và cả trên trận tuyến giáo dục. Có thể thấy, miền đất nào thiếu thốn và
gian khổ nhất, nơi ấy có bộ đội Cụ Hồ. Phẩm chất vì nhân dân quên mình đã ăn
sâu vào máu thịt đối với các anh. Hai tiếng nhân dân đã trở thành mệnh lệnh
trong trái tim của bộ đội Cụ Hồ. Bởi vậy, đâu phải chỉ trong thời chiến, mà cả
trong thời bình, nhiệm vụ của các anh càng được chú trọng hơn.
Sẽ là không phải lẽ nếu trong dịp kỉ
niệm 73 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12 mà không đề cập đến
anh, và với tôi “dù muộn còn hơn không”. Đó là người đã từng có một thời khoác
trên mình tấm áo lính. Người mà tôi muốn đề cập đến trong bài viết này đó chính
là người thầy- người anh – người đồng nghiệp đáng kính của tôi – Thầy giáo Đỗ
Văn Mỹ - BTCB – Giám đốc trung tâm giáo dục trẻ khuyết tật Lệ Thủy.
Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất hiếu học
xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy, sau khi tốt nghiệp cấp 3. Năm 1993, anh xếp bút
nghiên lên đường đi bộ đội mang theo bao hoài bão của tuổi trẻ của người con Lệ
Thủy, anh được biên chế vào Tiểu đoàn 3 – Trung đoàn 48 – Sư đoàn 320 ở Biển Hồ
- Gia Lai. Không ngại khó, ngại khổ, anh đã cùng với các đồng chí, đồng đội của
mình giúp đỡ nhân dân tại nơi đóng quân rất nhiều công việc như trồng cây,
trồng rừng, hướng dẫn người dân cách chăn nuôi, trồng trọt và còn nhiều công
việc không tên khác nữa. Tất cả những việc làm đó càng tô thắm thêm hình ảnh
anh bộ đội trong lòng nhân dân ở đây. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, năm 1995
anh xuất ngũ, trở về với cuộc sống đời thường, bằng ý chí và nghị lực của người
con sinh ra trên mảnh đất hiếu học và với tinh thần thép đã được rèn luyện
trong quân đội, và với quan điểm “sự học không có điểm kết” anh đã ôn tập và
thi đỗ vào ngành giáo dục tiểu học – trường cao đẳng sư phạm Quảng Bình. Đến
năm 1998 anh đã tốt nghiệp khóa học sau bao năm đèn sách.
Với ước mơ được mang “cái chữ” đi thắp
sáng vùng cao, thầy giáo trẻ Đỗ Văn Mỹ đã tình nguyện lên với bản Rum – Ho xã
Kim Thủy, huyện Lệ Thủy để dạy học. Lúc đó, khắp vùng đất biên viễn này còn
hoang rậm bịt bùng, đồng bào ở đây chủ yếu là người dân tộc Vân Kiều, và đa số
là "mù chữ phổ thông". Cầm quyết định trên tay, sau hơn một ngày trời
đi bộ, thầy Mỹ mới đến được điểm trường. Dân bản rất đỗi ngạc nhiên trước vị
khách này. Do bất đồng ngôn ngữ, phải rất vất vả thầy Mỹ mới giải thích được cho
đồng bào hiểu mình là "người của cách mạng, của Bác Hồ", có nhiệm vụ
"mang cái chữ của Bác" lên dạy cho dân làng biết đọc, biết viết để
mau thoát khỏi đói nghèo. Khi đó, thầy Mỹ là người Kinh duy nhất ở đây. Muốn
hoà nhập được với bà con, thầy chủ động cùng ăn, cùng ở với dân bản, học
tiếng Vân Kiều để thuyết phục bà con
nghe theo mình. Rất may lúc ấy ở trường TH Kim Thủy có một số giáo viên đã nói
thạo tiếng Vân Kiều. Từ bấy, thầy Mỹ nhờ các thầy cô giáo đi trước dạy cho mình
tiếng Vân Kiều. Mỗi ngày học từ 5-10 từ, dần dà vốn tiếng dân tộc của thầy đã
khá lên, có thể trò chuyện đơn giản với người dân bản địa. Nhờ thế, việc hòa
nhập của thầy với cộng đồng dân bản cũng dễ dàng hơn đôi chút. Nhờ sự cố gắng,
nổ lực không biết mệt mỏi của mình, nhà trường và các đồng nghiệp ghi nhận
những sự cố gắng đó, nên mặc dù mới vào công tác trong ngành nhưng thầy đã được
nhận được tín nhiệm cao bầu làm tổ trưởng chuyên môn. Trên cương vị mới, bản
thân anh thấy càng có trách nhiệm nhiều hơn với nhiệm vụ của mình. Đồng bào Vân
Kiều khi đó mới bước ra từ rừng già sâu thẳm, từ cuộc sống “ăn lông ở lỗ”, mọi
thói quen sống đến phong tục tập quán đều được lưu truyền từ nhiều đời trước.
Họ bị bóng đen từ quá khứ ủ trong đói nghèo và mông muội. Muốn giúp họ thoát
khỏi hủ tục và đói nghèo truyền kiếp, sau mỗi buổi lên lớp, thầy Mỹ phải bày
cho họ từ cách trồng lúa nước, trồng rau, thâm canh hoa màu, đến việc chăn
nuôi...để tăng thêm thu nhập và cải thiện cuộc sống. Mỗi khi màn đêm buông
xuống, thầy lại thắp đuốc băng rừng, lội suối đến từng nhà trò chuyện và vận
động bà con cho con em đi học.
Năm 2000 trường THCS Lâm Thủy được thành lập,
anh đã được cấp trên tin tưởng, bổ nhiệm làm phó hiệu trưởng phụ trách chuyên
môn- chủ tịch công đoàn cơ sở. Vai trò mới, cương vị mới, và công tác tại đơn
vị mới thầy thấy mình cần phải thực sự cố gắng nhiều hơn để xứng đáng với nhiệm
vụ đã được giao. Vì là ngôi trường mới được thành lập nên thiếu thốn rất nhiều
thứ, và gặp khó khăn đủ bề. Anh đã động viên đồng nghiệp cố gắng khắc phục để
hoàn thành nhiệm vụ dạy học. Từ chổ các em học sinh còn ngại vì phải đi học xa thì
về sau các em lại chăm chỉ đến trường nhiều hơn, thích đi học hơn.
Nhấp ngụm trà nóng, nở một nụ cười thân thiện trên môi, anh
lại tiếp tục câu chuyện của mình: “Việc vận động học sinh ở vùng cao Lâm Thủy
đến lớp học rất khó khăn, để làm được thì anh cũng phải nhận được sự đồng tình,
giúp sức từ các đồng nghiệp. Ban đầu, cũng chỉ có vài gia đình ở bản Xà Khía vì nể cái tình
của thầy giáo mà cho con em mình đi học. Khó khăn nhất là các em ở bản Tăng Ký,
Mụ Mệ, Chút Mút, Bạch Đàn, Tân Ly”. Vận động được trò rồi, thầy Mỹ lại tham
mưu với UBND xã, xin nguồn vốn của huyện để xây dựng các điểm trường ở bản lẽ
để các em khỏi vất vả đi đến điểm trường trung tâm. Đã xây được trường cho học
sinh học, thầy cùng bà con dân bản và đồng nghiệp lại tiếp tục chặt tre nứa, lá
dựng bếp ăn tập thể cho giáo viên, lên kế hoạch để mở bếp ăn tập thể và được
duy trì mãi về sau. Khi tình hình trường lớp đã đi vào thế ổn định, để đáp ứng
được yêu cầu của công việc, năm 2004 thầy tham gia học lên đại học tại trường
đại học Vinh.
Sau gần 10 năm công tác tại vùng cao, năm 2009 thầy được cấp trên thuyên chuyển về làm phó hiệu
trưởng tại trường TH Sơn Thủy. Từ chổ công tác ở vùng đặc biệt khó khăn về với
vùng thuận lợi thầy đã có sự cố gắng không ngừng trong chuyên môn nghiệp vụ,
luôn tìm hiểu và học hỏi từ đồng nghiệp để làm tốt công việc được giao. Và
những sự cố gắng đó cũng đã thúc đẩy được tình hình đội ngũ cũng như chất lượng
học sinh ngày một đi lên. Và tại đây đã xuất hiện nhiều cá nhân học sinh có kết
quả xuất sắc trong học tập và rèn luyện,
nhiều em đạt được giải huyện, giải tỉnh trong các cuộc thi. Từ những thành công
đó một phần là nhờ sự nổ lực, cố gắng phấn đấu của các em và tập thể giáo viên
nhưng bên cạnh đó bản thân thầy cũng đóng một vai trò quan trọng không kém.
Để
ghi nhận những sự cố gắng của thầy, tháng 7 năm 2013 thầy đã được chủ tịch UBND
huyện kí quyết định bổ nhiệm làm Hiệu trưởng trường TH Ngư Thủy Nam – một ngôi trường khó khăn thuộc vùng biển ở
phía nam của huyện Lệ Thủy. Trên cương
vị hoàn toàn mới, là người đứng đầu của một đơn vị vùng khó, bản thân thầy đã
không khỏi trăn trở để tìm ra lời giải cho những bài toán khó. Khó khăn nhất
vẫn là vận động các em học sinh đi học đầy đủ, nhất là các em trong độ tuổi đều
phải được đến trường, không được nghỉ học vì bất kì một lí do gì để hoàn thành
mục tiêu phổ cập thì thầy lại phải tiếp tục bám sát nhân dân, vận động bà con,
tham mưu với UBND xã để có định hướng đối với công tác giáo dục của xã nhà ... “Đa
số các em đều là con nhà nghèo, khoai sắn thay cơm, đến lớp thì phần nhiều là đầu
trần, chân đất, cuộc sống của nhân dân cũng như các em còn gặp nhiều khó khăn,
vất vả, nên việc học tập còn chưa được nhìn nhận đúng mức. Lo ngại nhất vẫn là
sau mỗi dịp tết, có nhiều em học sinh khăn gói ra đường quốc lộ 1A để đón xe
vào các tỉnh phía nam làm ăn”. Nhờ kiên trì, chịu khó nên thầy cũng đã
dần dần tìm ra lời giải cho những bài toán khó. Chỉ sau một năm, tình trạng học
sinh bỏ học giữa chừng để đi làm ăn xa đã không còn. Nhờ vậy công tác giáo dục
luôn được quan tâm, và chất lượng đã được nâng cao. Trong các hội thi của
huyện, tỉnh tổ chức thì Ngư Thủy Nam luôn là một trong những đơn vị
có học sinh xuất sắc dành được vị thứ thuộc tốp đầu. Bên cạnh phong trào giáo
dục được nhìn nhận đúng mức và nâng cao thì phong trào TDTT của đơn vị luôn
luôn dành được vị thế đáng nể phục. Từ chổ trước đây TH Ngư Thủy Nam
khi tham gia để cho có phong trào, thì đến nay phong trào đã khác.
Tất cả sự đi
lên của phong trào giáo dục tại đơn vị trường học luôn có sự cố gắng không
ngừng của đội ngũ, của học sinh, và sự quan tâm nhìn nhận đúng hướng của các
cấp chính quyền thì còn phải kể đến sự cố gắng vươn lên không biết mệt mỏi của
người đứng đầu đơn vị. Bởi bản thân thầy đã thổi một luồng sinh khí mới, bỏ
công sức vẽ lên một bức tranh đẹp cho đồng nghiệp, nhân dân và các em học sinh
nơi đây chiêm ngưỡng. Với thầy việc học sẽ luôn luôn được quan tâm đúng mức và
không có điểm dừng. Bản thân thầy là tấm gương để các đồng nghiệp trong ngành
noi theo. Để đáp ứng được yêu cầu của chuyên môn, của công việc, năm 2015 thầy
giáo Đỗ Văn Mỹ đã tham gia thi và học Thạc sĩ quản lí giáo dục tại Trường Đại
học sư phạm Huế. Sau một thời gian khá dài cống hiến tuổi trẻ của mình cho giáo
dục vùng khó khăn núi có, biển có, tháng 8 năm 2017 thầy được điều chuyển về
công tác tại vùng thuận lợi nhưng là gắn bó với môi trường đặc thù – Trung tâm
giáo dục trẻ khuyết tật Lệ Thủy. Từ khi bắt đầu bước vào ngành cho đến nay,
bằng ý chí và nghị lực vươn lên không biết mệt mỏi của thầy, bằng kỉ luật thép
đã được đào tạo, rèn giũa trong môi trường quân đội, thầy đã nhận được nhiều bằng
khen do chủ tịch UBND tỉnh và LĐ lao động tỉnh Quảng Bình trao tặng. Bên cạnh
đó thầy cũng đã có nhiều năm được công nhận là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và
cấp tỉnh. Để có được những kết quả và thành công đó, bên cạnh sự cố gắng không
ngừng của thầy luôn luôn xuất hiện hình ảnh của những người thân trong gia
đình, là người vợ hiền và hai cậu con trai ngoan ngoãn, học giỏi. Tất cả là
động lực, là hậu phương vững chắc để thầy vươn lên.
Tin vui lại đến với bản thân thầy, với gia đình và đồng
nghiệp khi trong những ngày giữa tháng 12 vừa qua, thầy đã bảo vệ thành công
luận văn Thạc sĩ quản lí giáo dục sau hơn hai năm đèn sách. Niềm vui sẽ nối
tiếp niềm vui khi tất cả luôn luôn cố gắng để tạo nên sức mạnh. Và sức mạnh đó
là tinh thần đoàn kết. Hy vọng rằng dưới sự lèo lái con thuyền của thầy giáo Đỗ
Văn Mỹ thì Trung tâm giáo dục trẻ khuyết tật Lệ Thủy sẽ được khoác lên mình một
diện mạo mới, một tấm áo mới, một khúc hát mới và đó là “Khúc hát quân hành”.