“Nếu được lựa chọn lại, bạn có chọn nghề Y không”? Không phải lần đầu tiên tôi được nghe câu hỏi này, ngược lại nó đã rất quen thuộc với tôi, thậm chí đôi lần tôi cũng tự hỏi chính mình rằng: Nếu được chọn lại, tôi có chọn nghề Y hay không?
Cuộc đời ai cũng có những ước mơ để mà cố
gắng, phấn đấu theo đuổi ước mơ ấy. Và tôi cũng vậy! Ước mơ của tôi được hình
thành và lớn lên trong những lần chơi trò chơi cùng lũ bạn xóm tôi thưở xa
lắc, xa lơ. Xuất thân
trong một gia đình bố mẹ làm nghề nông. Cũng như các bạn khác, khi còn là một
cô bé cắp sách đến trường, tôi đã thầm ước ao vào một ngày nào đó tôi sẽ là một
bác sĩ, hay một y tá… đại loại như vậy. Bởi lúc đó trong tôi, được khoác chiếc
áo blouse trắng là cả một ước mơ. Ước mơ đó tuy bình dị đối với người khác,
nhưng mãnh liệt và luôn cháy bỏng trong tôi. Ngày ấy, lũ trẻ bọn tôi dăm bảy
đứa thường tụ tập với nhau và chơi trò làm bác sĩ. Bác sĩ trong mắt của những
đứa trẻ ngây thơ, hồn nhiên là một người oai phong và quan trọng lắm; là người
thể hiện sự hiểu biết vượt trội và và có khả năng chữa trị được rất nhiều bệnh
cho mọi người. Cứ thế tuổi thơ của tôi trôi đi trong vai trò của một người bác
sĩ của nhóm bạn cùng xóm. Giấc mơ trở thành một bác sĩ nhen nhóm trong tâm hồn
tôi từ đó, giấc mơ đó bay cao cùng cánh diều bọn tôi thường thả trong những
buổi chiều chăn trâu nơi cánh đồng lúa quê hương.
Khi
đã là học sinh THCS rồi đến học sinh THPT và cho đến cả bây giờ ở cái tuổi mà
tôi đã biết nhìn nhận, đánh giá về mọi thứ tôi càng trân trọng hơn cái ước mơ
của mình. Tôi biết nghề Y có vai trò như thế nào đối với sự tồn tại và phát
triển của xã hội. Với tôi, vì nhiều lí do cách trở, vì hoàn cảnh gia đình lúc
đó còn gặp nhiều khó khăn nên việc học tập có phần bị gián đoạn. Mãi sau này
khi đã lập gia đình tôi mới tiếp tục theo đuổi ước mơ của mình, bằng sự nổ lực
của bản thân tôi đã thi đỗ và học chuyên ngành điều dưỡng tại trường Trung cấp
Y Quảng Bình vào năm 2005. Trong quá trình theo học, được sự động viên không
ngừng của người bạn đời và bản thân luôn có sự cố gắng trong học tập nên năm 2007 tôi cũng đã tốt
nghiệp ra trường với tấm bằng loại khá. Bây giờ nghĩ lại quảng thời gian đi
học, nhiều lúc tôi tự thấy phải khâm phục cho sự cố gắng không biết mệt mỏi của
bản thân. Tốt nghiệp ra trường, tôi đã mạnh dạn nộp hồ sơ xin hợp đồng tại trạm
y tế xã An Thủy. Với suy nghĩ, đã học là phải làm việc, và khi đã làm thì tôi
luôn mày mò, tìm hiểu những điều mà mình còn chưa biết để bổ sung vào mạch kiến
thức đang thiếu của mình, bởi sự hiểu biết của mỗi người là có hạn. Công tác
tại trạm y tế xã một thời gian, đến tháng 9 năm 2011 qua tìm hiểu, tôi được
biết ngành giáo dục có tuyển chức danh y tế học đường. Lại một lần nữa tôi thử
vận may, khi nộp hồ sơ chờ xét duyệt, thú thật trong người như ngồi trên đống
lửa. Lúc đó trong đầu hiện lên với biết bao dòng tâm trạng, biết bao lối suy
nghĩ. Lỡ may…Và rồi, tôi nhận được quyết định trúng tuyển vào chức danh y tế
học đường thật. Tôi thầm nghĩ, không biết là mình có mơ hay không…Không! Đó là
sự thật…những ngày sau đó tôi đến nhận việc tại Trung tâm giáo dục trẻ khuyết
tật Lệ Thủy. Để không bị bở ngỡ, tôi luôn nhận được sự chỉ bảo và hướng dẫn kịp
thời của ban Giám đốc Trung tâm cũng như các đồng nghiệp, nên trong công việc
tôi cũng đã nhanh chóng nắm bắt được. Với môi trường “giáo dục đặc biệt” so với những đơn vị bạn,
ngoài công tác chuyên môn là theo dõi và chăm sóc sức khỏe hàng ngày cho các em
học sinh ra, bản thân cũng trực và chăm sóc học sinh ở lại nội trú như những
thầy cô giáo khác. Ở Trung tâm có nhiều đối tượng học sinh với nhiều dạng tật khác
nhau như: khiếm thính, down, trí tuệ…nên việc chăm sóc và quản lí các em cũng
có phần vất vả. Tôi vẫn còn nhớ như in: Cách đây hơn bốn năm về trước có em học
sinh nhà ở xa, nên em được diện ở lại nội trú, ngày đầu đến nhập trường em tỏ
ra bình thường, nhưng đến tối vì nhớ nhà nên em đã bỏ trốn. Khi phát hiện ra
học sinh bị thiếu, tôi chỉ biết gọi điện nhờ các thầy cô giáo khác cũng như
chồng tôi chạy xe đi tìm. Hay những lúc trở trời, các em đã không còn giữ được
bản tính ngoan ngoãn mà thường ngày các em có. Mà các em lại quậy phá, la hét,
có em đánh bạn, có em thì lên cơn co giật và có em thì ngồi khóc vu vơ một
mình… Thú thật những lúc như thế thì động viên, an ủi là liệu pháp tốt nhất để
các em có thể nguôi ngoai một chút nào đó. Khi “sóng gió” qua đi, các em biết
mình mắc lỗi cũng đã tỏ ra ăn năn, hối lỗi. Và rồi những gói quà nhỏ, những
viên thuốc cho các em khi trái gió trở trời, những chiếc áo ấm cho các em khi
gió mùa trở lạnh… Tất cả như làm cho cuộc sống này trở nên tươi đẹp hơn. Và với
riêng bản thân tôi, để tình yêu với nghề luôn tồn tại, ngoài sự động viên giúp
đỡ của ban Giám đốc Trung tâm, HĐSP Trung tâm ra, tôi vẫn luôn nhận được sự
động viên kịp thời từ các thành viên trong gia đình nhỏ của tôi – là người chồng yêu quý – là hai đứa con ngoan
của tôi. Đó là động lực để tôi luôn luôn cố gắng và tìm được niềm vui trong công việc. Một công việc mà từ nhỏ bản
thân luôn luôn hằng mong ước, một nghề mà theo tôi quan niệm là “nghề làm dâu
trăm họ”- Đó là nghề Y vô cùng cao quý.
Bản thân tôi viết lên đây không
phải là kể về tính chất của công việc, bởi mỗi nghề đều có một niềm vui riêng, - Nhân kỷ niệm 63 năm
ngày Thầy thuốc Việt Nam, xin gửi đến các bạn đang công tác trong ngành Y lời
chúc sức khỏe, hạnh phúc và gặt hái nhiều thành công mới! Cho dù công tác ở
lĩnh vực nào, ở đâu, cương vị gì ... cũng luôn tự hào về truyền thống tốt đẹp
của ngành, luôn xứng đáng với sự trân trọng và tôn vinh của xã hội "Thầy
thuốc như Mẹ hiền".