GIỚI THIỆU
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Số người đang online: 22
Số lượt truy cập: 1154253
QUANG CÁO
CÔ GIÁO NGUYỄN THỊ BÍCH PHƯƠNG – "NGƯỜI HÁT BÈ TRẦM" 11/19/2018 8:40:59 AM
"Thời gian thấm thoắt thoi đưa, thế mà đã 7 năm tôi gắn bó với mái trường Trung tâm giáo dục trẻ khuyết tật Lệ Thủy. Bảy năm - một chặng đường chưa phải là dài nhưng cũng đủ để tôi cảm nhận được những gì tốt đẹp nhất dưới mái trường này. Với tôi, mỗi ngày đến trường là một ngày vui. Chính nơi đây đã thắp lên trong tôi ngọn lửa, ước mơ cháy bỏng không ngừng và lý tưởng sống cống hiến cho nghề, cho đời đó là cùng tham gia giảng dạy và chăm sóc cho bao thế hệ học sinh khuyết tật trên địa bàn huyện Lệ Thủy”. Cô giáo Nguyễn Thị Bích Phương bộc bạch dòng tâm sự của mình.

Trung tâm giáo dục trẻ khuyết tật Lệ Thủy là ngôi trường thứ 3 kể từ khi chị bước chân đến với nghề. Trước đây, Trung tâm không được khang trang như bây giờ, phía trước là kho lương thực chưa được giải tỏa, phòng học và phòng làm việc còn ít, học sinh và đồng nghiệp cũng chỉ vẻn vẹn vài ba chục người. “Nhưng khi gặp gỡ và nhận được sự động viên của Ban giám hiệu nhà trường, mọi băn khoăn trong tôi như dần tan biến”.

5CS.jpg

Và tất cả cảm xúc ấy cũng trôi qua, nhường chỗ cho những tiếng cười khi chị được trực tiếp gặp mặt các đồng nghiệp và được sống trong ngôi nhà thân yêu thứ hai của mình. Ở nơi đây, chị nhận được những lời tâm sự, động viên của đồng nghiệp; niềm yêu mến của các em học sinh đã tạo động lực cho chị vững tin hơn trên con đường sự nghiệp giáo dục của chính mình.

Và rồi chị bồi hồi nhớ lại những những khó khăn và cơ duyên khiến bản thân đến với ngành sư phạm.

Vốn xuất thân trong một gia đình làm nông, nhà lại đông anh em. Thấu hiểu được vất vả để tự vươn lên, được sự động viên của gia đình và bằng sự nổ lực của bản thân biết vượt qua hoàn cảnh, năm 1993 sau khi tốt nghiệp cấp 3, chị đã quyết tâm thi và đỗ vào sư phạm.  Ra trường năm 1996, cầm trên tay quyết định đến với trường TH Thái Thủy - Một ngôi trường khó khăn nằm ở phía tây nam huyện Lệ Thủy. Vốn bản thân có niềm đam mê với nghề, và lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ,  không quản ngại vất vả, khó khăn, gian khổ, vượt qua hơn 50km, ngày ngày chị vẫn đạp xe đến lớp, đến trường, đến với các em học sinh thân yêu của mình . Công tác tại trường TH Thái Thủy tròn 3 năm, đến năm 1999, chị được cấp trên điều chuyển công tác về trường Tiểu học số 2 An Thủy. Về với môi trường giáo dục thuận lợi, trình độ dân trí cao hơn, nhưng chị vẫn luôn cố gắng để học hỏi kinh nghiệm của các đồng nghiệp đi trước. Hằng ngày chị vẫn đến lớp tham gia giảng dạy, hễ rãnh tiết là mạnh dạn xin các đồng nghiệp dự giờ để học hỏi thêm kinh nghiệm giảng dạy. Nhờ thế mà năng lực chuyên môn của bản thân không ngừng được nâng lên. Cuối năm chị luôn được đánh giá cao trong thi đua. Và hơn hết là luôn nhận được sự thương yêu từ các em học sinh, sự khâm phục từ các đồng nghiệp và sự tín nhiệm cao của Ban giám hiệu nhà trường.

4CS.jpg

 Năm 2011 chị được thuyên chuyển công tác đến với Trung tâm giáo dục trẻ khuyết tật huyện Lệ Thủy. Bước qua bao bỡ ngỡ ban đầu, có đôi lúc hơi hụt hẫng về tâm lý, nhưng được sự động viên của Ban Giám đốc Trung tâm và các thầy cô giáo đi trước khiến bản thân tự tin hơn; để nhanh chóng bắt kịp với công tác giáo dục trẻ khuyết tật được thuận lợi, ngoài việc học hỏi ra cũng đã nhận được sự giúp đỡ rất nhiệt tình của các thầy cô giáo: Đó là thầy giáo Phạm Văn Hiệu – GĐ Trung tâm, thầy giáo Lê Văn Hộ- PGĐ Trung tâm, hai thầy như là người cha, người thầy, đã rất nhiệt tình chỉ bảo cho chị những gì chưa rõ. Đó là thầy Bốn, cô Phô, cô Hương, cô Lan… những người đồng nghiệp đi trước đã giúp cho chị có được những viên gạch để chị mạnh dạn xây nên một bức tường vững chắc trong sự nghiệp giáo dục trẻ khuyết tật của mình.

“Những ngày tháng công tác dưới mái trường Trung tâm giáo dục trẻ khuyết tật Lệ Thủy, tôi cảm nhận được tình cảm bao la của các đồng nghiệp, của các em học sinh thật ấm áp. Chúng tôi thường xuyên trao đổi, giúp đỡ nhau trong công việc, chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống thường ngày”. Cô giáo Nguyễn Thị Bích Phương tiếp dòng tâm sự của mình.

Từ ngày đầu tiên đặt chân đến nơi đây, Trung tâm đã trở thành niềm tự hào không chỉ của riêng cô mà còn là niềm tự hào của tất cả các giáo viên trong nhà trường. Ở đó, có những người thầy người cô thật tận tuỵ, những người bạn thật chân thành, những học sinh thân yêu và đượm cả tình người thật ấm áp trong một môi trường giáo dục “đặc biệt” nhưng thật ấm áp và hạnh phúc. Mỗi bài dạy của các thầy cô giáo nơi đây luôn thể hiện một chữ “Tâm” và một niềm mong mỏi lớn đối với tất cả các em học sinh yêu quý.

Năm học 2015 -2016, nhận được sự tín nhiệm cao từ đồng nghiệp, được cấp trên tin tưởng và bổ nhiệm vào cương vị mới là Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn của Trung tâm. Là một người giáo viên làm công tác giáo dục các em học sinh khuyết tật, dù ở cương vị nào là một giáo viên hay người quản lý thì bản thân cô vẫn luôn hết sức tận tụy với công việc, nhẹ nhàng và ân cần với đồng nghiệp, thương yêu đối với các em học sinh trong từng lời nói và hành động. Với tâm niệm “Tất cả vì học sinh thân yêu” chị đã thực sự cố gắng vì công việc. Ngoài ra chị còn dành thời gian để quan tâm, động viên các em, đặc biệt là những em có hoàn cảnh gia đình khó khăn và những em bị tật nặng .

1CS.jpg

Trung tâm giáo dục trẻ khuyết tật Lệ Thủy là ngôi trường giáo dục các đối tượng học sinh khuyết tật. Vì thế sự nhận thức của các em không giống với học sinh ở các trường phổ thông, và phải làm thế nào để các em có thể có thể tiếp thu kiến thức nhanh hơn. Trên cương vị là người phụ trách chuyên môn, cô giáo Phương đã luôn trăn trở suy nghĩ để đổi mới, vận dụng linh hoạt các phương pháp vào dạy học. Những nổ lực của bản thân chị và sự cố gắng của các đồng nghiệp cũng đã mang lại kết quả khả quan đó là có nhiều em học sinh trước đây không biết đọc thì nay đã biết đọc, có một số em biết giải toán có lời văn theo hướng dẫn và làm được các phép tính đơn giản, viết được bài chính tả, làm được bài văn theo yêu cầu.

Ngoài việc tham gia làm tốt công tác giảng dạy và chăm sóc học sinh khuyết tật ra thì công việc gia đình của chị cũng rất chu toàn. Chồng luôn đi công tác xa nhà, một  mình nuôi hai con khôn lớn và trưởng thành, đó là niềm tự hào, là niềm hạnh phúc lớn nhất của chị .

Thật không dễ dàng khi người phụ nữ phải đảm nhiệm hài hào giữa công việc cơ quan và việc gia đình. Bản thân cô đã rất cố gắng làm tròn bổn phận của người con với bố mẹ hai bên nội – ngoại. Nghĩa vụ của một người vợ đối với người chồng thương yêu, và trách nhiệm của người mẹ hết mực thương yêu các con.
Những ngày giữa tháng 10 vừa qua cô giáo Nguyễn Thị Bích Phương được Giám đốc Sở giáo dục & Đào tạo Quảng Bình tặng giấy khen “Giỏi việc trường – đảm việc nhà” giai đoạn 2015 – 2018. Đó là một phần thưởng xứng đáng của cấp trên dành cho những sự phấn đấu và cố gắng không biết mệt mỏi của cô.

“Nhìn lại quãng thời gian đã qua, tôi thực sự cảm thấy hạnh phúc vô cùng. Người ta vẫn thường nhắc nhau rằng nghề giáo chán lắm, chừng ấy bài cứ dạy bao năm. Thế nhưng, với tôi, niềm vui của nghiệp đứng bảng là ở chỗ, mỗi bài giảng qua mỗi lần dạy lại mang lại một cảm xúc riêng. Và trên hết, mỗi lớp người sang sông lại để lại một nét dấu ấn chẳng thể trộn lẫn trong tâm trí ngươi buông mái chèo. Tôi chợt nhớ đến một câu nói thực đúng mà bản thân vô tình đọc được cách đây không lâu: “Nếu bạn lựa chọn ngành nghề bạn thực sự yêu thích, bạn sẽ chẳng phải làm việc ngày nào trong đời”.

3CS.jpg

 Phải, với chị, mỗi ngày trong hai mươi  năm qua, và cả những ngày sau nữa, đó đều là những ngày được sống và trải nghiệm hết mình cho sự nghiệp. Thời khắc 20.11  sắp đến gần, xin dâng tặng những bó hoa tươi thắm nhất đến chị và tập thế cán bộ- giáo viên- nhân viên tại Trung tâm giáo dục trẻ khuyết tật Lệ Thủy – Những con người luôn hát “bè trầm” và hàng ngày làm những công việc bình dị mà vô cùng cao quý.

Võ Chí Linh

TRUNG TÂM GIÁO DỤC TRẺ KHUYẾT TẬT HUYỆN LỆ THỦY - TỈNH QUẢNG BÌNH
Điện thoại: 0232.3882126 - Email: ttgdtkt@lethuy.edu.vn
Developed by Phạm Xuân Cường
ĐT: 0912.037911 - Email: cuonggiaoduc@yahoo.com