Lễ hội đua, bơi thuyền trên sông Kiến Giang (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) đã có từ lâu đời. Sau này, khi Cách mạng tháng Tám thành công, lễ hội đua, bơi được địa phương tổ chức hằng năm đúng vào ngày 2.9 để chào mừng Quốc khánh mà người Lệ Thủy thường gọi là Tết Độc lập và để đón mừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm quê.
Tháng 8-2019, Bộ VH-TT-DL quyết định đưa lễ hội đua, bơi thuyền trên sông Kiến Giang (huyện Lệ Thủy) vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Những trai bơi được tuyển chọn là những người khỏe mạnh, cứng cáp và vững chãi trong làng (Ảnh Trần Long).
Tết lớn nhất năm ở Lệ Thủy chính là tết non sông
Dịp này, người Lệ Thủy làm ăn sinh sống tứ xứ đều tụ hội về, vừa coi đua bơi nhưng cũng để thăm gia đình, bố mẹ. Có lẽ, hiếm nơi nào đón Tết Độc lập - Quốc khánh 2/9 lớn như ở Lệ Thủy. Không khí nô nức, rộn ràng, lòng người phấn chấn; đâu đâu cũng cờ hoa rợp trời tưng bừng sắc màu lễ hội.
Để mừng Quốc khánh, gần như các xã, thị trấn đều tổ chức các hoạt động như: thi đối đáp hò khoan Lệ Thủy, thi đấu bóng chuyền, bóng đá, văn nghệ… Đặc biệt, trong dịp này, hầu hết các gia đình ở Lệ Thủy đều bày hương hoa, bánh trái và các loại quả sản vật địa phương như: cam, bưởi, dâu để cúng ông bà tổ tiên... Có thể nói rằng, tết lớn nhất năm ở Lệ Thủy chính là tết non sông.
Quang cảnh lễ hội bơi đua trên dòng Kiến Giang (Ảnh Trần Long)
Dưới sông thuyền bơi đua, trên bờ người dân ngóng theo
Từ giữa tháng 7 các làng có đò bơi đã hạ thủy đò để sửa chữa. Có làng còn đầu tư cả đò mới, tuyển chọn trai bơi để chuẩn bị cho lễ hội đua thuyền. Những ngày tháng 8, dòng Kiến Giang rộn rã bởi đò đua thay phiên nhau tập luyện trên sông, người dân cũng chộn rộn, bỏ bớt công việc theo đò bơi, đò đua cổ vũ. Dưới sông thuyền bơi đua tập luyện, trên bờ người dân ngóng theo.
Trai bơi được tuyển chọn là những người khỏe mạnh, độ bền, dẻo dai của thôn, làng. Hội đua, bơi trên sông Kiến Giang còn có nét đặc biệt khi tổng đường đua tranh tài lên đến 25 km đối với nam và 15 km đối với nữ. Đò nam gọi là đò bơi, đò nữ gọi là đò đua. Nam ngồi chầm với mái chèo ngắn, còn nữ đứng chèo mái chèo dài. Người xem đứng hai bên bờ sông, mỗi lần đò đi qua, ai cũng reo hò cổ vũ và dùng đủ dụng cụ như nón lá, thau chậu tát nước động viên cho các trai bơi, gái đua.
Hội được tổ chức vòng loại trước đó vào những ngày tháng 8 để xếp loại thành 2 bảng chuẩn bị sẵn sàng cho vòng chung kết diễn ra đúng ngày 2.9. Sau 2 năm ngừng lễ hội vì dịch Covid-19, năm nay, lễ hội bơi đua 2-9 lại được tổ chức.
Người dân nô nức reo hò, cổ vũ trên bến sông (Ảnh Trần Long)
"Dậy sóng" sông Kiến Giang
Ngày 2/9 Lệ Thủy có rất nhiều khách các nơi đổ về xem lễ hội, họ cùng hòa mình vào không khí ngày độc lập của vùng quê. Riêng người dân Lệ Thủy, ngày 2.9 người trong huyện dậy từ rất sớm, cùng ăn sáng, hẹn hò chuẩn bị sẵn xe cộ, tìm địa điểm lý tưởng để chuẩn bị theo dõi đò đua. Người già ra sông tìm điểm đẹp, ngồi bàn tán; trẻ nhỏ mang theo bong bóng, đi cùng bố mẹ; dân trai làng khỏe mạnh chuẩn bị băng rôn, khẩu ngữ, loa, kèn, nồi niêu xoong chảo đi theo cổ vũ đò bơi. Hàng chục vạn người đổ về chật kín hai bờ sông trên đường đua 25 km ấy, có người ngồi ở bến đợi thuyền qua, có người ngồi xe máy, xe đạp chạy theo, hò hét vang trời.
Thuyền xuất phát từ Mũi Viết ở trung tâm H.Lệ Thủy, lên đến xã Mỹ Thủy ở phía thượng nguồn sông Kiến Giang rồi quay về xã An Thủy ở hạ nguồn, sau đó quay ngược lên thị trấn về đích. Vì thế, nhân dân các địa phương 2 bên bờ sông đều được xem lễ hội, người đứng chen kín nơi mỗi đoàn đua đi qua. Qua mỗi bến sông, dân làng ùa ra dùng hết sức của mình gạt nước cổ vũ tinh thần cho các đội chèo thuyền. Tên các làng trong huyện lần lượt được người dân xướng lên : “ Đại Phong cố lên”, “Mai Thủy cố lên, Lộc Thượng lên đi….” .
Sáng 2/9 Sông Kiến Giang sẽ lại "dậy sóng", rộn rã tiếng hô tiếng hò “hô trai hồ trai…hô lên hồ lên” cùng tiếng mõ, tiếng trống như thúc giục du khách trở về với ký ức, với mùa lễ hội mừng ngày thống nhất non sông ở vùng quê sông nước.